Theo sinh viên Huỳnh Hoàng Kha: "Trong suốt 4 năm đại học, mình đã gặp được rất nhiều bạn bè, từ những bạn cực kì giỏi cho đến những bạn còn chơi vơi trong việc học. Bản thân mình cũng chơi vơi lắm. Hồi năm nhất mình thực sự chẳng biết gì cả; mình chẳng biết học đại học có gì khác so với học cấp ba; mình cũng chẳng biết mình có sẵn cái gì và cần phải chuẩn bị thêm những gì để có thể học tốt trong môi trường đầy mới mẻ này.

Sau đây, mình xin kể về hành trình của mình và những gì mình quan sát được; mình mong rằng bài này có thể để lại được chút gì đó cho các bạn tân sinh viên.

Học đại học khác với học cấp ba thế nào?
Học đại học khác với học cấp ba thế nào?

Năm nhất đại học, thời khoá biểu của mình được lấp kín bởi những môn toán, lý, hoá đại cương, một môn toán chuyên ngành và một môn khác chỉ mang tính chất giới thiệu. Đến lớp, một số Thầy/Cô cũng có nhắc đến chuyện đọc sách giáo trình nhưng mình gần như không hề để tâm đến. Cứ thế, mình ngày ngày lên lớp mà càng ngày càng chẳng hiểu gì. Có những slide bài giảng mình đọc đi đọc lại cả chục lần vẫn không hiểu; mình đã lục sách giáo trình ra xem nhưng tất cả đều rối nùi như một mớ bòng bong. Lúc đó mình chợt nhận ra hai mươi mấy điểm thi đại học của mình cũng chỉ là giấy vứt vào sọt rác; mình thiếu quá nhiều kiến thức để có thể đọc hiểu những cuốn “văn tự lạ” này – đó là giáo trình toán, lý, hoá đại cương. Tệ hơn nữa, do chưa có thói quen đọc sách nên mình cứ đọc được dăm ba trang là lại bị bứt rứt khó chịu trong người. Một cảm giác muốn bỏ học cứ chiếm lấy tâm trí mình.

Hồi cấp ba, mình gần như chẳng bao giờ đụng tới sách giáo khoa, bởi vì mình thấy những gì Thầy/Cô nói trên lớp như vậy là quá đủ, thậm chí còn nhiều hơn cả nội dung trong sách (teachers are powerful); chỉ vì chưa biết trước và chưa kịp thay đổi suy nghĩ mà mình đã có một năm nhất thất bại. Trong khi đó, mình lại thấy có một số bạn đọc sách rất cực; có bạn tuy hơi miễn cưỡng một tí nhưng vẫn chịu khó đọc và hiểu được nội dung trong sách; một số khác lại còn tỏ ra vô cùng thích thú và phấn khích khi đọc những cuốn sách nước ngoài.

Trong số những môn học ở học kì đầu tiên tại Bách Khoa, có lẽ mình thích nhất toán rời rạc, chắc là do mình bị lôi cuốn bởi những dòng suy luận logic của Thầy dạy môn đó. Thầy ấy có giới thiệu với cả lớp cuốn sách “Discrete mathematics and its applications”; mình cũng rất hứng thú và tìm đọc, nhưng có một điều tệ hại là mình đọc tiếng Anh quá chậm, đọc xong câu sau quên mất câu trước, không thể xâu chuỗi tư duy logic được. Kết quả là mình “tèo” luôn môn học đó; tổng kết 7 chấm nhưng cũng không nắm được gì nhiều (theo mình, điểm số rất quan trọng nhưng cũng không quan trọng bằng chuyện mình học được những gì; 7 chấm nhưng không học được gì nhiều thì hẳn là “tèo” rồi).

Mặc dù vậy, mình cũng đã kịp nhận ra “bí kíp thần công cái thế” là nằm trong đống sách, không phải trên slide bài giảng. Mỗi cuốn sách chuyên ngành được dùng để dạy ở Bách Khoa là những cuốn sách tiếng Anh ngàn trang; vài giờ lên lớp mỗi tuần không thể nào là đủ để truyền tải hết đống nội dung khổng lồ đó. Slide bài giảng chỉ là công cụ để Thầy/Cô tóm tắt những nội dung cần dạy/cần học chứ không phải là nội dung chi tiết sinh viên cần nắm. Để nắm được những nội dung đó, sinh viên phải tự đọc ở nhà.

Học kỳ II năm nhất, mình bắt đầu cố gắng luyện đọc. Sau một học kì nỗ lực hết sức, mình đã đọc được nửa cuốn “C++ How to program” – một cuốn sách chuyên ngành về ngôn ngữ lập trình C++. Đó là một sự cố gắng và đã mang lại sự tiến bộ. Tới đây, mình muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh/sinh viên một thông điệp rồi mới kể tiếp: “Đối với học sinh cấp ba thì phải học cho thật chắc, không chỉ cần phải làm được bài tập mà còn phải hiểu sâu, phải giải thích được lý thuyết, phải phân tích được hiện tượng, phải giải quyết được vấn đề… Bên cạnh đó là phải rèn luyện thói quen và kỹ năng đọc sách, nhất là sách viết bằng tiếng Anh. Đối với tân sinh viên, các bạn hãy đọc sách, bài báo khoa học thật nhiều, thật kỹ thì mới nắm bắt được kiến thức một cách bài bản và đầy đủ nhất.”.

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là những bạn nào học xong cấp ba mà chưa kịp chuẩn bị những điều nói trên thì sẽ không học đại học được. Hồi đó mình thấy có mấy bạn tuy hay than vãn về những vấn đề này nhưng lại có nhóm học chung với nhau và rồi tất cả đều qua các môn đại cương một cách nhẹ nhàng. Về sau, khi mình đọc sách chuyên ngành cũng vậy; gặp phải những nội dung nào còn chưa hiểu là mình lại trao đổi ngay với các bạn của mình. Hầu hết các bạn mình đều sẵn lòng giải thích, chia sẻ kiến thức. Mình cũng vậy, bởi vì mình cho rằng khi trình bày một nội dung gì đó, muốn người khác hiểu và công nhận thì mình cũng phải hiểu và phải thuyết phục được bản thân. Giảng giải có lẽ là cách tốt nhất để mỗi người tự kiểm tra và củng cố lại kiến thức.

Khi học về khoa học kỹ thuật, sống trong tập thể và làm việc cùng với nhóm là điều hết sức quan trọng. Người ta nói muốn nhanh thì phải đi tắt đón đầu. Nhưng cũng cần phải hiểu rằng đi tắt đón đầu không có nghĩa là đốt cháy giai đoạn, không phải vì chạy đua kết quả mà lại bỏ qua kiến thức nền tảng cốt lõi. Đi tắt đón đầu là “Rút ngắn giai đoạn tiếp cận, đẩy nhanh giai đoạn học tập, và bùng nổ giai đoạn ứng dụng sáng tạo”. Việc có một tập thể và một mạng lưới mối quan hệ với những người cùng nghiên cứu khoa học kỹ thuật là một điều kiện tốt để rút ngắn giai đoạn tiếp cận.

Mỗi khi muốn tìm hiểu về một kỹ thuật, công nghệ nào đó, chỉ cần hỏi những người đi trước để họ giới thiệu nguồn kiến thức; biết được những từ khoá để tìm kiếm bài báo khoa học, có được tên những cuốn sách kinh điển là coi như đã tiếp cận được bước đầu. Điều này cũng đồng thời giúp đẩy nhanh giai đoạn học tập. Có nguồn tư liệu trong tay, nếu ta “cày ngày cày đêm”, có khúc mắc gì cũng đều có người cùng thảo luận, thì chẳng phải sẽ học được rất nhanh sao?

Đến giai đoạn ứng dụng và sáng tạo, nhiều người ngồi lại với nhau chẳng phải sẽ dễ “bùng nổ” được nhiều ý tưởng và phương pháp hay sao? Đến đây, mình lại nói tiếp: “Là người học tập, nghiên cứu về khoa học kỹ thuật, nhất định phải biết đi tắt đón đầu đúng cách, nhất định phải hợp lực với những người cùng lý tưởng thì mới có thể phát triển được. Kiến thức được chia sẻ không bao giờ bị mất đi mà chỉ có thể được nhân lên nhiều lần. Mỗi khi bạn chia sẻ kiến thức thì kiến thức của bạn lại càng chắc hơn. Hãy luôn sẵn lòng chia sẻ kiến thức với mọi người.”

Về sau, khi mình đã biết cách học và có một phòng thí nghiệm sinh viên tự lập thì điểm trung bình của mình lại tăng dần. Mình thực sự đã xuất phát thật khó khăn, nhưng mình cho rằng không có điều gì là quá muộn. Vậy bạn nào rơi vào hoàn cảnh giống mình cũng đừng quá bi quan. Rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn cả thôi.

Mình chỉ mới nhắn nhủ được với các bạn một vài điều như vậy, nói thì ít nhưng thực tế lại rất nhiều vấn đề. Nói thì dễ, làm thì khó. Vậy nên mình mong rằng các bạn hãy cố gắng. Đã là người học khoa học kỹ thuật thì nhất định làm gì cũng phải khoa học."


>> Xem thêm:

Học đại học có khó lắm không?
Tổng hợp những lời khuyên dành cho sinh viên năm nhất
17 công việc kiếm tiền hiệu quả dành cho sinh viên

Mới hơn Cũ hơn