Học đại học có khó lắm không? Đây là câu hỏi rất thường gặp ở các em chuẩn bị làm tân sinh viên. Hôm nay mình sẽ kể chuyện và bàn luận về vấn đề này.

Sau 4 năm học thì mình cũng quan sát được khá khá về các bạn khác trong trường, kể cả một số bạn ở những khoa khác luôn. Nhìn chung thì có rất nhiều kiểu đi học khác nhau, nhưng trong bài này mình chỉ đề cập tới một số kiểu như: Học giỏi nhưng hơi vật vã, học giỏi một cách nhẹ nhàng, học cũng nhẹ nhàng mà cũng không giỏi lắm, hoặc học vật vã mà cũng không giỏi được.

Học đại học có khó lắm không?
Học đại học có khó lắm không?

1. Kiểu đầu tiên là học nhẹ nhàng mà vẫn rất giỏi

Minh chứng cụ thể ở đây là mình có thấy rất nhiều bạn dành nhiều thời gian sinh hoạt xã hội nhưng điểm vẫn rất cao, am tường mọi thứ, bạn bè ai hỏi gì cũng trả lời được rành mạch. Những bạn này hầu hết đều là những bạn không những siêu thông minh mà còn có tầm nhìn tốt, có sự chuẩn bị chu đáo trước khi bước vào đại học. Rất nhiều trong số những bạn đó là dân siêu sao thời cấp ba, toàn có thành tích xuất sắc cấp quốc gia, thi tự luận mà điểm toàn gần sát mức tuyệt đối, thậm chí là tuyệt đối luôn.

Tháng 8 năm 2015, cái lúc mà mình biết đậu BK, mình còn xách xe chạy nhong nhong ngoài đường vì... phấn khích thì có bạn đã quất ngay tấm bằng TOEIC 980. Vô đại học, trong lúc mình còn vật vã đi tìm tài liệu toán rời rạc trên mạng thì bạn TOEIC 980 ấy đã ngồi cày nhiệt tình cuốn Discrete mathematics and its applications của Rosen và luyện thành bá đạo :3. Nói thật là vào thời điểm đó, nếu có ai tặng mình cuốn đó thì chắc mình cũng chịu, thật tình là với trình độ tiếng Anh của mình lúc đó là mình không đọc nổi.

Sang học kì thứ hai, mình bắt đầu đọc sách hướng dẫn học lập trình CPP How to program với tốc độ siêu chậm siêu yếu kém là khoảng 10 trang/ngày. Một số trong các bạn mình, với tốc độ tư duy siêu cấp và tốc độ đọc kinh hoàng thì họ đã nhanh chóng cày hết cuốn giáo trình đó và bắt tay vào làm bài tập thực hành. Mình đọc tới cuối kỳ mới được có nửa cuốn nhưng dù sao thì cũng đỡ hơn là không đọc, lúc đó tốc độ đọc của mình cũng lên được tầm 50 trang/ngày. Một hành trình gian nan đã qua, tuy không được nhiều thành tựu nhưng cũng gọi là đã biết người biết ta chứ không còn tư duy hổ báo lúc mới nhập học. Tới đây, mình cũng rút được bài học là tiếng Anh quan trọng kinh khủng đối với cái ngành này.

2. Kiểu thứ hai là học vật vã một chút nhưng vẫn giỏi.

Thời mình mới nhập học, có thấy một bạn cứ phải gọi là ý chí thép. Đêm khuya vẫn ngồi học bài, lúc nào buồn ngủ quá chịu hết nổi thì lấy điện thoại cài báo thức 10 phút rồi ôm chắc cái điện thoại trong tay, đợi nó rung là tỉnh dậy dụi mắt một tí rồi học tiếp. Bạn ấy làm được vậy chứ mình là mình không làm được. Mình thấy như vậy thì vã quá, chịu không thấu. Với lại dạo này nghe tin điện thoại nổ nhiều, mình cũng không dám ôm, haha. Ngoài ra thì cũng nhiều bạn lập nhóm học chung các kiểu rất xôm, nhưng phải cùng nhau ra ngoài kiếm bàn ghế ngồi học chung thì mới được chứ cứ ở trong phòng thì tinh thần nó cũng xuống dữ. Theo nhận định chủ quan thì những bạn này tuy chưa có IQ vô cực hay sự chuẩn bị chu đáo như những bạn mình nhắc đến ở đầu bài nhưng hẳn đã biết những điều cần làm và đã trang bị một tinh thần thép để thực hiện đến cùng kế hoạch của mình.

3. Kiểu thứ ba: Học nhẹ nhàng mà cũng không giỏi. Mình đoán là mình giống những bạn này. 

Theo mình thì kiểu học này nặng nhiều ở yếu tố tinh thần, muốn dành thời gian làm thêm nhiều việc khác (thí dụ như ngồi viết ra cái bài này). Cái hay nhất ở đây là cảm giác không quá áp lực, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, được học, được theo cái ngành này là vui lắm rồi ấy. Trong thời gian học, mình có bảo lưu 1 học kỳ vì bệnh, các học kỳ sau đó thì mình đăng ký ít tín chỉ lại (học chậm lại) để dành thêm thời gian mà chơi Robocon.

Robocon tuy không có thành tựu gì (không có gì luôn ấy) nhưng đổi lại mình lại có nguyên 1 team và sau đó là hẳn một phòng lab mà anh em gắn bó tới giờ. Hàng năm gia đình TickLab của mình vẫn đón thêm nhiều thành viên mới. Mình K15, vừa rồi các bạn mình đều đã ra trường cả rồi mà mình vẫn còn chậm 1 năm. Tuy vậy mà mình lại rất hài lòng với những gì mình làm và những gì mình đang có. Tóm lại vẫn là hai chữ thoải mái.

Kiểu cuối cùng là học vật vã lắm nhưng cũng không giỏi được. Đây cũng chính là mình thời năm nhất. Hồi đó, mới vào đại học mình đặt mục tiêu là phải vào KSTN nhưng lại không sở hữu IQ cao, chưa biết phương pháp học, chưa có sự chuẩn bị chu đáo (đặc biệt là tiếng Anh còn kém). Mình thiếu đủ thứ cần thiết để có thể học giỏi được ở Bách Khoa. Thêm vào đó một vấn đề mình cho rằng quan trọng nhất đó là chưa chịu mở mắt. Mình nói vậy tức là hồi đó mình chưa biết phải học cái gì, phải làm sao mới học được những cái đó, học những cái đó ở đâu…

Có câu: “Cuộc sống mở mắt cho ta”. Điều này có nghĩa là trải nghiệm thật nhiều thì mới sáng tỏ được những khúc mắc trong lòng mà vượt qua được khó khăn. Điều kiện duy nhất để được mở mắt là: “Đừng trốn chạy cuộc sống”. Hồi đó mình có lang bạt nhiều nơi, hỏi thăm nhiều người, đăng bài lên nhiều diễn đàn để hỏi thăm. Nhưng vấn đề là ở chỗ hầu hết những người mình gặp và hỏi đều là những bạn, những anh đang gặp vấn đề trong học tập. Do đó những điều mình nghe được toàn là những điều tiêu cực, làm cho cuộc sống mình trở nên thêm phần chán nản và hoang mang lo sợ.

Thời gian dài sau đó, mình may mắn có dịp đi tham quan nhiều hội nghị, triển lãm về công nghệ thông tin, được tiếp cận với những anh rất giỏi và hỏi han. Thay vì đăng bài lên diễn đàn ngàn người để hỏi thì mình chuyển sang hỏi người Thầy mà mình ngưỡng mộ. Thế là, cách nhìn nhận, cách suy nghĩ về việc học tập của mình khác đi. Nhờ thế mà mình mới thoát được cái ngõ bế tắc ở ĐHBK.

Kết bài, mình xin tổng kết lại vài điều. Không thông minh vô cực, chưa có chuẩn bị siêu tốt thì cũng cần phải có ý chí, tinh thần thép. Thậm chí cho dù không có ý chí, tinh thần thép đi chăng nữa thì ít nhất cũng phải có tinh thần lạc quan, hứng thú và hài lòng với những chuyện mình đang làm. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tiếp xúc với những mặt tích cực của xã hội, những người đam mê và có mục tiêu trong ngành, để cuộc sống mở mắt cho ta!

Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc. Chúc các bạn học tốt." Huỳnh Hoàng Kha chia sẻ.


>> Xem thêm:

Học đại học khác với học cấp ba thế nào?
Tổng hợp những lời khuyên dành cho sinh viên năm nhất
17 công việc kiếm tiền hiệu quả dành cho sinh viên

Mới hơn Cũ hơn